Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của người Đài Loan, trải qua bao biến động của lịch sử nhưng những phong tục ngày Tết vẫn được lưu giữ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác.
Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết? Liệu bạn có đang háo hức chào đón năm mới nữa đến. Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thăm hỏi người thân, cùng nhau đi lễ tết, chúc tết đầu năm… cầu mong một năm mới an lành,may mắn, an khang, thịnh vượng. Dưới đây là những phong tục trong ngày Tết một truyền thống của người dân Đảo Ngọc, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nào:
30 Tết: gia đình cùng nhau ăn cơm đoàn tụ, chuẩn bị chào đón 1 năm mới
Trong ngày này, những gia đình Đài đều có thói quen dọn dẹp nhà cửa nhằm dọn sạch những điều không may mắn của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc nhiều hơn. Tiếp đến là thờ cúng tổ tiên, tạ ơn sự phù hộ trong năm qua, đồng thời cầu mong cho một năm mới bình an suôn sẻ.
Bữa cơm tất niên còn được gọi là bữa cơm đoàn viên. Sau một năm dài làm việc học tập vất vả, ngày 30 Tết chính là một dịp mà cả gia đình đoàn tụ, sum vầy, quây quần bên nhau. Cá là món ăn không thể thiếu đối với người Đài trong bữa ăn cuối năm, nó tượng trưng tiền bạc dư dả quanh năm (年年有餘). Tiếp đến chính là quýt, tượng trưng sự cát tường, thuận lơi, đại cát đại lợi (大吉大利),…
Không chỉ đơn giản là một bữa cơm bình thường, bữa cơm ngày cuối năm là nơi mà cả nhà đoàn tụ, những người con đi làm ăn xa nhà có thể trở về, ngồi quây quần bên bàn ăn và cả gia đình kể cho nhau nghe mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống.
Mùng 1 Tết: chào đón năm mới bằng tiếng pháo rộn rã, chung vui đón xuân
Khác với Việt Nam đốt pháo là điều không cho phép, thì ở Đài Loan việc đốt pháo hoàn toàn hợp pháp, pháo là một vật không thể thiếu trong những dịp lễ tết. Vào sáng sớm mùng 1 Tết, ta luôn nghe những thấy tiếng pháo nổ không ngừng do người dân hay miếu chùa thay nhau đốt. Người ta tin rằng ánh sáng và tiếng nổ của pháo hoa có thể xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo năm cũ. Những quả pháo tỏa sáng, bung tỏa ra không trung còn tượng trưng cho may mắn, bình an được lan tỏa. Những ai thấy quả pháo đầu tiên được bắn lên trời sẽ gặp may mắn trong năm mới. Pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng thì năm mới càng thuận lợi, hanh thông.
Vào ngày này, hầu hết mọi người sẽ đến chùa để cầu may mắn trong năm mới. Ngoài ra, mọi người sẽ khoát lên mình những bộ đồ màu đỏ tươi thắm, đến nhà bạn bè thân thiết chúc tết. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều người thường lựa chọn cách gửi lời chúc mừng năm mới thông qua mạng xã hội bằng những hình ảnh vui tươi và ý nghĩa.
Mùng 2 Tết: phụ nữ có chồng về nhà ngoại đón Tết
Theo như truyền thống, mùng 2 Tết là ngày mà phụ nữ đã lấy chồng sẽ cùng chồng về nhà ngoại đón Tết, người Đài còn gọi đây là “ngày đón rể”. Vì quan điểm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, tư tưởng truyền thống của người xưa cho rằng phụ nữ không nên ở nhà mẹ đẻ quá khuya, nên ăn uống trước buổi trưa và về nhà mẹ chồng sớm.
Tuy nhiên, với lối sống và tư tưởng bây giờ thì đã nhiều gia đình Đài không còn đặt nặng vấn đề nêu trên. Tết nội hay Tết ngoại cũng đều quan trọng và có ý nghĩa như nhau. Phụ nữ lấy chồng rồi cũng không phải là từ bỏ cha mẹ đẻ, đến Tết cũng không được về. Nhưng vấn đề ở đây là sắp xếp thế nào cho hợp tình, hợp lý?
Mùng 3 Tết: ngủ sớm dậy sớm thân thể khỏe mạnh
Đến mùng 3 là ngày mà mọi người cần dành để nghỉ ngơi sau 2 mùng tết bận rộn với những buổi hẹn hò, vui chơi,…
Trong dân gian ở Đài Loan, tương truyền tối mùng 3 cũng là ngày tốt “chuột lấy vợ”, sẽ nghe được tiếng chuột kêu chít chít. Vì để không phá đám chuyện tốt của chuột lấy vợ, tối đó mọi người sẽ cố gắng tắt đèn đi ngủ sớm, và ở nhà bếp hoặc những góc chuột thường đi lại trong nhà, rắc lên ít muối gạo, bánh tẻ để chúc mừng niềm vui tân hôn của chuột và năm mới mùa màng bội thu, hi vọng mối quan hệ với chuột hòa hiếu, mong chuột ít phá hoại trong năm đó. Một số thứ như vậy gọi là “trang sức bằng gạo” hoặc “chuột chia tiền”
Ngoài ra, đối với người dân ngày này còn là “ngày Xích Cẩu” (赤狗日). Theo như truyền thuyết cho rằng Xích Cẩu là con thần khuyển hung hăng, cho nên chúc Tết vào ngày này sẽ dễ gây tranh cãi, xung đột.
Mùng 4 Tết: chuẩn bị chu đáo cho việc cúng thần thỉnh tài đón lộc
Ở Đài Loan, mùng 4 Tết là ngày các vị thần hạ giới. Thông thường vào đầu giờ chiều, các gia đình sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng mâm cỗ thịnh soạn với 3 món chính và 4 loại trái cây để rước các vị thần linh.
Đối với những người phạm Thái Tuế trong năm, thì đây cũng là ngày mà họ cần đi chùa giải hạn Thái Tuế nhằm giảm vận xui, tránh tai nạn khó lường.
Mùng 5 Tết: dọn sạch rác những ngày Tết! sẵn sàng một hành trình mới
Theo quan niệm dân gian, dùng lau quét và bỏ rác trước mùng 5 tức là bạn đã vứt bỏ đi những tài lộc, vận đỏ của cả năm ra khỏi nhà và điều này sẽ khiến cho tình hình tài chính cả năm của gia đình không ổn định, các thành viên không thể tạo ra được của cải vật chất, hoặc nếu có thì cũng sẽ tiêu vào những việc bên ngoài mà không thể tiết kiệm được. Cho nên mùng 5 chính là thời điểm thích hợp bỏ hết rác mà những mùng tết trước tích tụ.
Mùng 6 Tết: thời điểm vàng để khai trương đầu năm mới
Mùng 6 được coi là “thời điểm vàng” để các của hàng kinh doanh khai trương, lấy lộc đầu năm mới. Để mang lại không khí vui tươi, sôi nổi và may mắn cho lễ khai trương mọi người thường đốt pháo để ăn mừng.